Thuốc trị bệnh Alzheimer đầu tiên trên thế giới, Lecanemab, được chấp thuận đưa ra thị trường

Ngày 22/8, Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) đã phê chuẩn sử dụng thuốc có tên là Lecanemab, do hãng dược phẩm Eisai của Nhật Bản phát triển.

“Lecanemab” có thể làm chậm tốc độ suy giảm nhận thức khoảng 25% đến 27% trong vòng 18 tháng. Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên ở châu Âu phê duyệt loại thuốc mới này nhưng chỉ dành cho người lớn.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thuốc Lecanemab có tác dụng làm chậm quá trình phát triển các triệu chứng của bệnh Alzheimer thông qua cơ chế hoạt động là dần loại bỏ các mảng bám tích tụ của loại protein (thường là amyloid-beta) trong não người bệnh. Nhờ đó, thuốc được sử dụng để làm chậm quá trình suy giảm nhận thức của người bệnh.

Trước đó, cơ quan chức năng của Mỹ cũng đã cấp phép cho lecanemab vào năm 2023. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu ( EMA) chưa chấp thuận loại thuốc này.
Bởi vì “Lecanemab” đắt tiền, với thời gian điều trị một năm tốn ít nhất 20.000 bảng Anh, Bảo hiểm Y tế Quốc gia Anh không coi nó là loại thuốc hoàn trả trong bảo hiểm y tế và bệnh nhân phải tự chi trả chi phí điều trị bằng thuốc.

Theo số liệu của Anh, khoảng 5% số người từ 65 tuổi trở lên và 25% số người trên 80 tuổi ở nước này mắc chứng sa sút trí tuệ ở dạng nhẹ do bệnh Alzheimer gây ra.

Hiệp hội Alzheimer cho biết mặc dù đây không phải là liều thuốc thần kỳ có thể ngăn chặn, đảo ngược hoặc chữa khỏi bệnh cho bất kỳ ai nhưng nó có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức.

Các quốc gia hiện chấp thuận sử dụng loại thuốc mới này là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Vương quốc Anh.